TTO – Từ tháng 4-2021 đến nay, dự án “Tủ đồ 0 đồng REshare” – do nhóm những người trẻ 8x gồm anh Nguyễn Trung Nghĩa, chị Phan Thị Ngọc Anh và anh Lê Minh Vũ Bão sáng lập – đã trở thành điểm đến của những người yêu môi trường.

Với mục đích tái sinh vòng đời cho quần áo đã qua sử dụng, giúp tránh lãng phí và giảm thiểu rác thải, dự án là nơi kết nối giữa người quyên góp và người nhận các trang phục này.

Hè 2020, sau khi sinh con được vài tháng, chị Ngọc Anh dọn tủ đồ vì không còn mặc vừa và phát hiện nhiều bộ đã rất lâu không dùng đến, hầu hết còn khá mới.

“Bỏ thì không được, mà đem làm từ thiện thì lại không biết cho ở đâu, cộng thêm việc tủ đồ của mình có nhiều loại, đầm tiệc hoặc đồ công sở thì không phù hợp để đem cho tặng cho người dân ở khu vực khó khăn. Thế là hai túi đồ mình soạn ra cứ nằm mãi ở góc nhà”, chị kể.

Ngoài ra, vài năm gần đây, phong trào sống xanh ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Bản thân chị Ngọc Anh chỉ có thể chung tay bằng cách hạn chế sử dụng túi nilông, ly nhựa, ống hút nhựa, trong khi quần áo hiện cũng là một trong các gánh nặng gây áp lực lên môi trường. Sau khi trò chuyện cùng anh Trung Nghĩa, cả hai đặt vấn đề làm sao để những túi quần áo đã qua sử dụng có thể đến được tay những ai có nhu cầu. 

Họ chọn nền tảng thương mại điện tử để tuần hoàn sản phẩm trong ngành thời trang, trong đó khách hàng có thể quyên góp quần áo cho dự án. REshare sẽ tiến hành phân loại, xử lý và đưa sản phẩm lên web để khách hàng lựa chọn. Cả hai hoạt động quyên góp và nhận các trang phục đều miễn phí hoặc có mức phí rất thấp để duy trì dự án.

“Mình hy vọng trở thành cầu nối để quần áo đã qua sử dụng có thể đến đúng nơi cần đến, giúp hạn chế lãng phí và rác thải cho môi trường. Mô hình của REshare được tham khảo từ dự án Thredup tại Mỹ, được chúng mình nghiên cứu và phát triển lại cho phù hợp với thị trường Việt Nam và Đông Nam Á”, anh Nghĩa chia sẻ.

Những khách hàng có nhu cầu quyên góp trang phục cũ có thể mang quần áo đến trụ sở của REshare tại quận Bình Thạnh hoặc kho tại TP Thủ Đức – cũng là nơi xử lý, phân loại, đóng gói lại các trang phục này. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã thu gom và phân loại hơn 20.000 sản phẩm, tuần hoàn được hơn 3.000 sản phẩm và có hơn 2.000 người sử dụng dịch vụ.

Theo anh Trung Nghĩa, ngành thời trang đã qua sử dụng là lĩnh vực mới hoàn toàn đối với nhóm sáng lập nên mọi người mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về khách hàng, người dùng, cách xử lý sản phẩm cũng như việc ứng dụng công nghệ như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu. Trong thời gian dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội, quá trình thực hiện dự án bị gián đoạn, việc cập nhật sản phẩm lên web bị hạn chế và đơn quyên góp bị tồn đọng rất nhiểu.

“Tuy nhiên, đó cũng là khoảng thời gian mọi người dọn dẹp lại tủ đồ của mình để sau đó gửi đến quyên góp cho tủ đồ 0 đồng. Khi giá trị tuần hoàn sản phẩm thời trang được lan tỏa, điều này giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và chúng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người”, anh nói.

Trong năm 2022, REshare mong muốn giúp tuần hoàn 100.000 sản phẩm và liên kết với các nhãn hiệu thời trang lớn để giúp các nhãn hàng thu gom, tái sử dụng và tái chế sản phẩm.

https://tuoitre.vn/keo-dai-vong-doi-quan-ao-voi-tu-do-0-dong-20220126211521386.htm