REshare.vn – Khi làm từ thiện thì ai cũng mong muốn tận tay trao cho người cần giúp đỡ nhưng đôi lúc chúng ta không có thời gian làm vì công việc bộn bề hay vấn đề khoảng cách quá xa, rồi nhà cửa, con cái,…Vì thế nên chúng ta thường thông qua các bên trung gian để thay chúng ta làm việc đó, bên trung gian ở đây chính là các hội nhóm , tổ chức từ thiện. Vậy những đơn vị , tổ chức nào đáng để chúng ta tin tưởng?
Từ thiện để trục lợi

Tôi lấy trường hợp gần nhất là công tác thiện nguyện cho miền Trung đợt lũ vừa qua, một số người nổi tiếng làm từ thiện theo kiểu tự phát, không có kế hoạch dẫn đến tranh cãi, khiếu nại không đáng có. Hay sự cố một trưởng xóm bị tố không đủ “tiêu chuẩn nghèo” để được nhận tiền cứu trợ, hoặc việc nhóm thiện nguyện dừng phát quà cho người đeo vàng, sơn móng tay,… cũng đã gây ra phản ứng trái chiều. Hệ lụy lớn nhất từ tình trạng này là người nhận cứu trợ phải gánh chịu những tổn thương rất lớn về tinh thần, tâm lý. Chưa kể đôi lúc, sau khi các đoàn thiện nguyện rút đi thì tại địa phương, tình làng nghĩa xóm có phần phai nhạt, nhiều giá trị cộng đồng cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những so đo, tính toán chuyện ai được nhận cứu trợ, mức cứu trợ nhiều hay ít. Một hệ lụy khác là một số trường hợp đã có hành động trục lợi, bớt xén tiền quyên góp hoặc mạo danh, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng đang làm công tác từ thiện nhằm mục đích mưu lợi cho cá nhân. Ðáng nói, còn có trường hợp bên ngoài cọc tiền từ thiện là những đồng tiền có mệnh giá 500.000 đồng nhưng bên trong lại là những đồng tiền 50.000 đồng, 100.000 đồng. Cũng phải kể đến hiện tượng do nhận thức chưa đúng về từ thiện nên có người mang quần áo, đồ dùng quá cũ, rách không còn dùng được, hoặc không phù hợp để cho người nghèo, nên đã vô tình làm tổn thương họ.
Thực trạng tủ quần áo từ thiện

Không thể phủ nhận rằng tủ quần áo từ thiện đem lại niềm vui cho rất nhiều người khó khăn, đặc biệt là trong những ngày mùa đông lạnh giá thì những bộ quần áo lại càng có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, khi tôi đọc một bài báo viết về tủ quần áo từ thiện tại Hà Nội thì tôi nhận ra rằng , mặt trái của tủ quần áo từ thiện còn nhiều hơn cả mặt tốt
Quần áo bừa bộn, gây mất trật tự
“Tại 1 số điểm, tủ quần áo chất đầy và tràn ra ngoài, không hề có người quản lý. Nhiều người đến lấy quần áo tranh giành, không có ý thức đã gây ra những hình ảnh vô cùng phản cảm. Ghi nhận tại 1 tủ quần tại số 420 phố Tây Sơn, quần áo lộn xộn trải từ trong tủ vương vãi ra vỉa hè. Giày dép cũng không còn đôi cặp mà nằm lung tung trên mặt đất. Thậm chí, không ít người đến lấy quần áo cố tình bới chọn đồ ưng ý rồi vứt đống tại đó, không hề sắp xếp lại theo phân loại mà mỗi tủ quần áo đều đã ghi rõ ràng. Cảnh tượng nhếch nhác này đã khiến những người dân sinh sống trong khu vực vô cùng bức xúc khi họ là người bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Phượng (trú tại Ngã Tư Sở – Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ về sự mất an ninh trật tự trong khu vực đặt tủ quần áo từ thiện.
“Có nhiều trường hợp, người ta vội vàng bốc rất nhiều quần áo mà chẳng cần biết có dùng hết được hay không. Cũng có những tốp 4-5 người tranh giành, cãi vã thậm chí chửi bới nhau rất ảnh hưởng đến người xung quanh.
Đôi khi đông người tranh giành quần áo khiến giao thông ở khu vực này bị tắc nghẽn”.
Các cá nhân lợi dụng lòng tốt để trục lợi
Chị Nguyễn Thu Hiền (Tây Sơn – Đống Đa – Hà Nội) đã chia sẻ về trường hợp 1 số đối tượng nghiện ngập, bất hảo đã có hành vi đứng chặn trước tủ quần áo, không cho người dân vào lấy đồ.
“Các đối tượng nghiện ngập cũng tụ tập tại đây, gây khó dễ cho người dân đến lấy đồ từ thiện, thậm chí ai cho tiền thì mới đồng ý cho người ta vào lấy đồ”.
Không chỉ vậy, theo phản ánh của người dân sống gần khu vực này, có 1 nhóm người được cho là ở Sơn La, thường xuyên ra tủ quần áo từ thiện để xin đồ. Số quần áo này họ sẽ mang về bán lại.
Cũng theo chị Nguyễn Thu Hiền, hằng ngày sẽ có những tốp từ 5 đến 7 người đến lấy quần áo với số lượng rất lớn. Họ sẽ cắm chốt tại các tủ quần áo và đón đầu khi những nhà từ thiện mang quần áo đến ủng hộ. Sau đó những người này sẽ chọn lọc và lấy hết những đồ đẹp, bỏ lại đồ xấu trong tủ từ thiện.
Điều này khiến nhiều người thật sự có nhu cầu cần quần áo lại không thể nhận được đồ tốt. Bởi lẽ những đồ nhóm người kia để lại đa phần là quần áo rách rưới, không thể sử dụng được nữa.
Liệu lòng tốt của chúng ta đã đặt đúng chỗ chưa? Chúng ta phải làm thế nào để có thể giúp cho những người khó khăn khi có những cá nhân, tổ chức từ thiện chỉ muốn trục lợi.
Một số phương thức để quyên góp quần áo cho đúng người cần

Sau đây tôi sẽ chia sẻ với các bạn một vài cách theo tôi nghĩ là chúng ta có thể yên tâm hơn khi muốn quyên góp quần áo cho người nghèo.
Đối với những người khó khăn ở gần thì tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên đem tới đưa trực tiếp cho họ
Quyên góp quần áo cho các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên,…Bất cứ tỉnh thành, địa phương nào cũng có tổ chức này cả, thậm chí tại một số đơn vị, công ty, trường học đều có tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản. Mỗi năm, tổ chức này đều có hoạt động tình nguyện, từ thiện quyên góp cho các hoàn cảnh khó khăn nên mọi người có thể liên hệ để quyên góp quần áo.
Chắc mọi người đều biết tới hoạt động mùa hè xanh, xuân tình nguyện chứ. Đây là hoạt động thường niên diễn ra vào tết và hè, đối tượng tham gia đông đảo nhất là sinh viên. Màu áo xanh mang niềm vui về với bà con vùng sâu, vùng xa, mang nụ cười đến cho trẻ em nghèo khó. Mọi người sẽ không phải lo lắng khi gửi quần áo cho các đối tượng tham gia chiến dịch này đâu, đây cũng là một trong các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản đó, còn là hoạt động lớn nữa kìa.
Trước khi gửi quần áo đi, mọi người phải đảm bảo được rằng tổ chức, đơn vị đó đáng tin cậy và quần áo sẽ được đưa tới những người khó khăn nhé.