14 May

REshare.vn – Quần áo là thứ thiết yếu trong đời sống của mỗi người, nó giúp chúng ta che đi những điểm nhạy cảm trên cơ thể, giúp cơ thể đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nếu ở thời tiền sử, con người chỉ cần mặc ấm, có mặc thì ngày nay trang phục không chỉ dừng lại ở mục đích đó. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang đem đến rất nhiều lợi ích và cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trong bài viết tới đây chúng ta cũng tìm hiểu nhé.

Trang phục cho biết “bạn là ai ?”trong xã hội hiện đại

Bạn là nam hay nữ, là nhân viên công sở hay công nhân nhà máy, là người trong giới thượng lưu hay một gia đình bình thường, là một cô gái bánh bèo hay một cô gái cá tính,… tất cả đều thể hiện qua trang phục bạn đang mặc trên người.

Thời trang trong xã hội hiện đại chia ra rất nhiều thể loại quần áo từ quần áo ngủ, đầm váy dự tiệc, quần áo để diện đi chơi, đi học, đi làm,… tất cả để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tiêu tiền cho thời trang nhiều, lãng phí quần áo cũng nhiều

Giá quần áo không phải là rẻ, đặc biệt những loại có chất liệu vải tốt thì rất đắt. Hỏi trong xã hội bây giờ tầng lớp nào mua quần áo nhiều nhất, không ai khác là giới trẻ. Tôi có rất nhiều người bạn bố mẹ gửi cho tiền chi tiêu ăn uống, phòng trọ các thứ nhưng các bạn dành hết gần 50% số đó cho quần áo. Điều đáng nói là không phải các bạn mua là sẽ mặc, nhiều khi bạn mua về đó nhưng không thích thế là quăng nó vào một góc rồi lãng quên luôn. Có người mua một cái áo với giá cả trăm ngàn nhưng chỉ mặc một hai lần rồi bỏ. Lâu lâu tôi lại nghe vài câu than vãn là hết đồ để mặc trong khi tủ đồ sắp hết chỗ chứa, nghe thật là khôi hài. Nếu các bạn biết sự lãng phí đó góp phần gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, các bạn sẽ suy nghĩ như thế nào?

Thời trang có ảnh hưởng tới môi trường ?

Thời trang hiện là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường đã chỉ ra thực trạng quy mô của ngành thời trang ngày càng lớn thì sức tàn phá đối với môi trường sẽ càng khủng khiếp.

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy may mặc đã tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn và thải ra lượng khí thải CO2 khổng lồ. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

Thực tế cho thấy, lượng nước tiêu thụ trong ngành công nghiệp may mặc có thể đổ đầy 32 triệu hồ bơi của các cuộc thi Olympic. Theo UNCTAD, khoảng 93 tỉ m3 nước, đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người, được ngành công nghiệp thời trang sử dụng hàng năm cho hoạt động sản xuất. Khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu, hiện đang bị đổ xuống biển mỗi năm.

Các tổ chức môi trường ước tính, các nhãn hàng thời trang nhanh cần 2.650 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton; 20% lượng nước ô nhiễm trong ngành công nghiệp toàn cầu đến từ việc xử lý vải nhuộm dệt; chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ chôn dưới bãi rác.

Môi trường đang dần bị huỷ hoại

Có những sự thật được phơi bày trong ngành thời trang, khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hết sức lo lắng. Hai phần ba lượng sợi sử dụng trong dệt may là sợi tổng hợp, vốn có cùng họ với nhựa. Trong khi túi nilon và ống hút nhựa đang là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường, khiến cả thế giới phải đau đầu xử lý, liên tục kêu gọi các phong trào bảo vệ môi trường. Trong đó, sợi tổng hợp sau chuỗi sản xuất và tiêu thụ quần áo của ngành thời trang đã nhanh chóng biến thành khối rác thải nhựa khổng lồ, trôi nổi trên các đại dương.

Việc tích hợp sợi nhựa tổng hợp vào sản xuất đồ may mặc khiến các hạt nhựa tổng hợp nhỏ li ti bị thải ra môi trường. Khi loại vải này được giặt trong máy giặt, chúng phân huỷ một phần thành các vi nhựa xả vào hệ thống thoát nước và đổ ra biển. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra rằng, những loại sinh vật dưới biển sẽ ăn chúng và cuối cùng các vi nhựa sẽ quay trở lại xâm lấn vào chuỗi thức ăn của con người.

Đáng nói hơn, nhiều nhà máy may mặc vì muốn tiết kiệm chi phí hoặc những yêu cầu rất khắt khe về xử lý chất thải, đã đổ thẳng các hóa chất chưa qua xử lý ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp tới sự sống của loài vật và con người xung quanh. Người ta đã phát hiện ra tỉ lệ cao về ung thư và các bệnh khác trong các cộng đồng sống gần nguồn nước xả thải từ các nhà máy may mặc.

Tác hại của thời trang đến môi trường chưa dừng lại ở đó. Để đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp thời trang, khoảng 70 triệu cây xanh bị chặt hạ hàng năm để lấy đất trồng bông hoặc sản xuất vải viscose. Nguồn nước bị ô nhiễm đến từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây bông và thuốc nhuộm trong quá trình dệt vải. Ước tính, thiệt hại về cây xanh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.

Chỉ tính riêng ngành trồng bông, hầu hết bông vải được trồng trên thế giới đều đã bị biến đổi gen, kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao. Điều này dẫn tới sự ra đời của loại “siêu cỏ dại” có khả năng kháng thuốc trừ sâu. Chính vì thế, nông dân buộc phải dùng các loại thuốc chống cỏ dại độc hơn – đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Trong khi đó, việc thiêu hủy quần áo lại thải ra môi trường các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tác động biến đổi khí hậu do Trái đất ấm lên. Con người đôi khi mua sắm “không kiểm soát” sẽ trở thành “tội đồ” làm tổn hại môi trường sống của mình.