28 Jan

REshare.vn – Ở nước Anh, số quần áo fast fashion (thời trang ăn liền) mỗi năm được vứt ra bãi rác tương đương với 140 triệu bảng (khoảng hơn 4.062 tỷ đồng VN). Đa phần chúng được sản xuất từ những nước kém phát triển như Campuchia và Srilanka và gây ô nhiễm môi trường đứng thứ 2 so với các ngành công nghiệp khác, chỉ sau công nghiệp dầu mỏ. 

 Ghé mắt tủ quần áo của những phụ nữ Anh hay bất cứ phụ nữ nào trên khắp hành tinh, ta sẽ thấy phần đông nữ giới bị cuốn vào những món thời trang “ăn liền” (fast fashion), loại thời trang chỉ dùng theo phong trào, theo mốt rồi nhanh chóng bị xếp xó chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Các nhà sản xuất fast fashion lựa chọn nhanh các mẫu mới trên sàn catwalk, sử dụng nhân công và chất liệu rẻ tiền để làm ra các sản phẩm thời trang đúng mốt, rẻ rúng, có thể chỉ mặc trong vài tháng, thậm chí là vài tuần cho tới khi mẫu quần áo hết “hot”. 

 Tuy nhiên, thời đại công nghiệp “thời trang ăn liền” đang có dấu hiệu chững lại hoặc sắp sửa kết thúc trong khi ngành thời trang “bền vững” (slow fashion) đang ngày càng phổ biến. Slow fashion khuyến khích người tiêu dùng mua những mặt hàng quần áo được sản xuất có đạo đức, chất lượng, có thể sửa chữa lại khi cần thiết và mặc cho tới khi không thay thế được thì thôi. Chi phí thực sự của “thời trang ăn liền”Các thương hiệu “thời trang ăn liền” đã có sự cạnh tranh khá ác liệt. Để sản xuất thật nhiều bộ quần áo hợp thời và nhanh chóng, những thương hiệu này đã đặt gánh nặng lên người lao động, tìm kiếm thách thức mới để sản xuất các nguyên liệu ngày càng rẻ mạt. Điều này khiến cho các thương hiệu “thời trang ăn liền” đều có cơ sở sản xuất ở các nước kém phát triển, nơi họ có thể tìm được thị trường lao động giá rẻ với môi trường làm việc khắc nghiệt. Nhân công bao gồm cả lao động trẻ em. Ngành công nghiệp “thời trang ăn liền” thực sự đã làm việc trong điều kiện vô nhân đạo. Lao động giá rẻ tồi tệ hơn chúng ta nghĩ. Một số gia đình lao động sống ở những vùng nghèo nhất thế giới, đặc biệt là ở vùng viễn đông. Nơi ở của họ thường là những ngôi nhà tồi tàn, thuộc khu ổ chuột. Những nhà máy “thời trang ăn liền” đã tuyển dụng nhân công từ những gia đình nghèo khó với giá rẻ mạt, buộc họ làm việc hết sức để cho ra đời các sản phẩm quần áo hợp mốt mà chúng ta có nhiều trong tủ quần áo. 

 Có thể nói rằng đây là chế độ nô lệ hiện đại khi các thương hiệu thời trang bỏ qua các nhu cầu cơ bản của người lao động, buộc họ làm việc cả ngày và trả cho họ chi phí thấp, “giam cầm” người lao động trong môi trường làm việc khắc nghiệt để tồn tại. Nhiều bài báo trên tạp chí Forbes đã viết “Thời trang ăn liền phá hủy và gài bẫy một thế hệ phụ nữ trẻ tuổi”. Có tới 75 triệu người đang làm nhân công rẻ mạt trong ngành thời trang này, trong số đó 80% là phụ nữ trẻ, tuổi đời từ 18 đến 24. Một công nhân may trong thị trường này phải mất 18 tháng lao động cực khổ mới kiếm được số tiền mà một giám đốc công ty thời trang kiếm được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, bằng với thời gian nghỉ ăn trưa. 

“Thời trang ăn liền” gây ô nhiễm nghiêm trọngCác mặt hàng thời trang ăn liền được thiết kế với chất lượng bình thường vì khách hàng thường bỏ xó chúng nhanh chóng khi hết mốt. Tuy nhiên, một chiếc áo phông tưởng như vô hại sau khi vứt đi lại có nhiều tác động lớn đến môi trường. 

 Để sản xuất được các mặt hàng giá rẻ, ngành “thời trang ăn liền” áp dụng các chính sách sản xuất “làm hỏng môi trường”. Tác động lớn nhất là nguồn nước. Theo bài báo của Forbes, những nước sản xuất bông như Trung Quốc, Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Mức tiêu thụ này dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2030. Những quốc gia trồng bông đang phải đối mặt với vấn đề nan giải khi lựa chọn giữa sản xuất bông và việc phải đảm bảo có nguồn nước uống sạch. 

 Tác động tiêu cực khác của ngành thời trang ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là việc sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại trên quần áo như chì, thuốc trừ sâu, formaldehyde, chất chống cháy làm gián đoạn hóc môn, gây ung thư, tác động nguy hiểm với sinh vật biển khi bị thải ra trong tự nhiên. Đã tới lúc cần phải thay đổi?Ngoài ưu điểm có vẻ rẻ tiền và hợp mốt, thời trang ăn liền thực chất không hề rẻ như bạn nghĩ, thậm chí nó đã phá hủy môi trường một cách nghiệt ngã. Thời đại đã thay đổi, những người trẻ văn minh không ủng hộ “thời trang ăn liền” mà chuyển hướng sang những loại thời trang bền vững, thời trang sinh thái phù hợp hơn với môi trường. 

 Vì vậy, khuynh hướng thời trang slow fashion khuyến khích người mua quan tâm đến nền tảng của quá trình sản xuất quần áo ít tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời, đầu tư vào chất lượng của từng loại quần áo, chứ không phải mua thật nhiều những trang phục giặt một lần đã xộc xệch.  Thực tế,  mua một món đồ  chất lượng giúp bạn sử dụng bộ quần áo đó lâu bền hơn,  tiết kiệm hơn so với hàng giá rẻ. Ngoài ra, một số kỹ năng DIY cũng giúp bạn làm mới những món đồ cũ của mình, biến chúng thành các phong cách thời trang độc đáo, hợp mốt mà không cần mua thêm quần áo mới.