04 Feb

REshare.vn – Nghiên cứu mới của YouGov cũng cho thấy 3/10 số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ giữ quần áo dưới 1 năm trước khi cho lại/vứt đi

Thời trang nhanh đã thay đổi cách chúng ta mua sắm. Sự ra đời của ngành thời trang dễ tiếp cận với giá cả phải chăng này khiến người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn bao giờ hết. Số đồ may mặc người mua hàng bình thường mua mỗi năm tăng 60% chỉ trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2014. Với các dòng sản phẩm mới ra mắt hàng tuần, người tiêu dùng không cần chờ đến mùa vẫn có thể mua sản phẩm theo xu hướng mới nhất. Các chuỗi cửa hàng trên phố lớn chiếm lĩnh thị trường đến mức người khổng lồ trong ngành thời trang nhanh H&M hiện có giá trị gấp cao gấp hai lần so với Chanel.

Trong khi nhiều người chào đón cuộc cách mạng thời trang này, các tai nạn như thảm họa Rana Plaza và cáo buộc bóc lột đã gây rắc rối cho các thương hiệu phổ biến như Zara. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về đạo đức của ngành. Các nhà phê bình cũng nêu bật tác động của những thương hiệu thời trang nhanh đối với môi trường trong việc kích thích nhu cầu đối với loại quần áo dùng một lần rẻ tiền, tạo ra nhiều carbon trong quá trình sản xuất và cuối cùng là bị vứt thành đống rác.

Nghiên cứu mới nhất của YouGov Omnibus tiết lộ mức độ lãng phí quần áo tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy 3/4 (74%) người Việt Nam trưởng thành từng cho lại/vứt quần áo đi vào thời điểm nào đó trong năm ngoái và 1/5 (19%) từng cho lại/vứt đi hơn 10 món trang phục trong năm qua.

4/10 (43%) từng cho lại/vứt một món trang phục đi sau khi mới mặc 1 lần và chỉ riêng trong năm ngoái, 1/5 số người trả lời khảo sát (19%) đã cho lại/vứt đi ít nhất 3 món đồ mà họ mới mặc 1 lần.

55% số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đã mua ít nhất một nửa số quần áo của họ trong 12 tháng qua

Thời trang là ngành kinh doanh lớn tại Việt Nam với 1/20 số người được khảo sát (6%) ước tính rằng họ sở hữu trên 100 món đồ may mặc (không kể đồ lót hoặc phụ kiện). Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (tuổi từ 16 đến 34) có tỷ lệ quần áo mới cao nhất; 55% số người thuộc nhóm này nói rằng họ đã mua ít nhất một nửa số quần áo mình có chỉ trong năm ngoái. Trong khi đó tỷ lệ này ở thế hệ thời bùng nổ dân số (những người trên 55 tuổi) là 22%.

Thế hệ thiên niên kỷ cũng có xu hướng cho lại/vứt quần áo đi cao hơn so với các thế hệ lớn tuổi hơn. 3/10 những người thuộc thế niên kỷ (30%) nói rằng nói chung họ giữ quần áo dưới 1 năm rồi cho lại/vứt đi. Trong khi chỉ có 2/10 (19%) những người thuộc thế hệ thời bùng nổ dân số đưa ra câu trả lời tương tự.

1/4 số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ từng vứt quần áo họ không muốn mặc nữa vào thùng rác

Thế hệ thiên niên kỷ không chỉ vứt bỏ quần áo nhanh hơn thế hệ lớn tuổi mà họ còn ít có khả năng làm điều này theo những cách bền vững.

Thế hệ thời bùng nổ dân số có khả năng quyên góp quần áo từ thiện cao hơn (84% trong số họ đã làm điều này trong khi tỷ lệ ở thế hệ thiên niên kỷ là 59%). Trong khi đó, thế hệ thiên niên kỷ có xu hướng vứt quần áo vào thùng rác cao hơn với các tỷ lệ tương ứng là 24% và 7%.

Tuy nhiên, một số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đang tìm tòi cách mang lại đời sống mới cho những chiếc quần áo cũ; 1/10 (11%) trong số họ đã từng tái chế nâng cấp quần áo (thiết kế lại để biến quần áo cũ thành đồ mới), 1/4 (25%) đã từng tái chế và khoảng 54% từng cho lại quần áo mình không muốn mặc nữa cho bạn bè và/hoặc thành viên trong gia đình.

1/3 dân số Việt Nam trưởng thành từng cho lại/vứt quần áo đi vì họ không còn thích mặc nữa

Lý do phổ biến nhất khiến mọi người vứt bỏ quần áo là vì món đồ không còn vừa với họ nữa. Số này chiếm tỷ lệ 48%. Các lý do phổ biến khác bao gồm do quần áo bị hỏng (43% chọn) và có dấu hiệu bị hỏng (31% người trả lời khảo sát chọn).

Tuy nhiên, một số người cho lại/vứt bỏ quần áo chỉ vì sở thích thay đổi; 41% nói rằng họ làm điều này vì “đã mặc món đồ đó nhiều mùa”, 32% nói rằng họ làm vậy vì “không còn thích mặc món đồ đó nữa” và 25% chọn lý do là “món đồ đó giờ đã lỗi mốt”.

Người đứng đầu Omnibus Jake Gammon đã nhận xét rằng: “Các thương hiệu thời trang nhanh vốn rất muốn gỡ bỏ cụm từ không bền vững dùng để miêu tả họ. Nhưng mặc cho các sáng kiến tái chế khác nhau của các nhãn hiệu hàng đầu, khảo sát này nêu rõ mức độ lãng phí quần áo mỗi năm tại Việt Nam. Nhìn vào tương lai, chúng ta thấy xu hướng đáng lo ngại ở thế hệ thiên niên kỷ đó là họ sẵn sàng vứt bỏ quần áo nhanh hơn các thế hệ lớn tuổi. Điều này cho thấy đây sẽ là một chiến trường đầy cam go cho những ai muốn trực diện giải quyết vấn đề này.”

Bức tranh rộng lớn hơn

Ở cấp khu vực, người tiêu dùng Việt Nam và Trung Quốc có xu hướng giữ quần áo dưới 1 năm trước khi cho lại/vứt đi cao nhất với các tỷ lệ lần lượt là 27% và 23%. Trái lại, người Úc, Hồng Kông và Singapore có xu hướng giữ quần áo dưới 1 năm thấp nhất với các tỷ lệ tương ứng chỉ là 4%, 6% và 6%.

Tuy nhiên, người Thái Lan có xu hướng cao nhất trong việc cho lại/vứt đi nhiều hơn 3 món quần áo mà họ mới mặc 1 lần trong năm ngoái (tỷ lệ là 17%), trong khi xu hướng này ở người tiêu dùng Trung Quốc chiếm tỷ lệ thấp nhất (8%). Trái lại, có khoảng 25% người Philippines, 21% người Malaysia và 21% người Indonesia không cho lại/vứt đi bất cứ món trang phục nào trong năm qua.

*Dữ liệu được YouGov Omnibus thu thập trực tuyến từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 10 năm 2017 từ 1.481 người trả lời khảo sát tại Việt Nam. Kết quả này được coi là đại diện cho nhóm dân số trưởng thành trực tuyến.