09 Feb

REshare.vn – “Lối sống tối giản của người Nhật”. Tất cả bắt đầu từ cuốn sách này

 Tháng 3 vừa rồi mình có về Việt Nam và tận hưởng quãng thời gian nghỉ xuân cùng với gia đình. Trong suốt một tháng nghỉ ngơi thì mình giành khá nhiều thời gian vào việc đọc sách. 

Một hôm bố mình có nhắc đến cuốn sách mà bố đang đọc, có tên là “Lối sống tối giản của người Nhật”. Bố nói rằng, tác giả của cuốn sách này đã vứt hầu hết toàn bộ những đồ đạc trong nhà và chỉ để lại những đồ dùng cần thiết cho cuộc sống. Mình đã mượn cuốn này và đọc liền tù tì trong vòng một ngày. Sasaki Fumio, tác giả của cuốn này đề cập tới một khái niệm mà mình chưa từng nghe bao giờ, “Minimalism” (chủ nghĩa tối giản).

Bia_Loi-song-toi-gian-01-1

   “Minimalism” xuất phát từ “minimal”, có nghĩa là tối giản.
   Tối giản = loại bỏ những thứ không cần thiết. Cụm từ tối giản không chỉ được dùng cho đồ đạc vật chất mà còn được dùng cho công việc, suy nghĩ hay các mối quan hệ, nói cách khác là tinh thần.

Tối giản không gian

   Cuốn sách của Fumio chủ yếu nhấn mạnh lối sống tối giản qua việc vứt bỏ đồ đạc. Tác giả nói rằng sống một cuộc sống ít đồ đạc sẽ giúp con người hạnh phúc hơn. 

   Tuy rằng xem qua bức ảnh phòng ở của tác giả thì mình thấy nó tối giản quá. Trên sàn không có một chút đồ đạc nào. Đến tối thì mới lấy tấm đệm mỏng từ tủ ra trải trên sàn và ngủ. Những lúc ăn cơm thì lấy một hộp gỗ nhỏ xíu đặt trên sàn để làm bàn ăn. Mình thì chắc không thể sống như vậy, nhưng ít nhất, mình bắt đầu hứng thú với lối sống mà Fumio nhắc tới. 

futon
20170920135246

   Thực ra thì mình có cảm giác từ trước đến giờ lối sống của mình có phần hơi thiên về “tối giản”. Từ khi sang Nhật thì quần áo thì luôn mua ở Uniqlo, màu sắc cũng chỉ có trắng, ghi, đen, thi thoảng thì có màu đỏ. Mình rất thích nội thất của IKEA hay Muji vì nó tập trung vào một gam màu nhất định. Nhưng mình đã không biết đến cụm từ “minimalism”.  Cho đến khi đọc được cuốn sách mà bố mình đưa cho, mình thốt lên “Đây rồi! Đây chính là từ khóa cho cuộc sống của mình!”. 

   Mình quyết định khi quay lại Nhật sẽ thay đổi toàn bộ căn phòng mình đang ở, từ việc vứt đồ cho đến dọn dẹp hay thay đổi nội thất. Tuy cuốn sách của Fumio có nói về 55 cách từ bỏ, nhưng có lẽ nó vẫn chưa đủ giúp mình có một kiến thức nhất định về việc từ bỏ và dọn dẹp. Đúng lúc đó, khi mình đang dạo quanh cửa hàng Starbucks quen thuộc, mình tình cờ thấy được cuốn sách của Kondo Marie với tựa đề “人生がときめく片付けの魔法”. Dịch nôm na sang tiếng Việt là “Phép màu dọn dẹp để giúp cuộc đời vui tươi hơn” (Nghe nó cứ thế nào). Mình có search trên mạng và ở Việt Nam có bản dịch tên là “Nghệ thuật bài trí của người Nhật”.

Bia_Nghe thuat bai tri cua nguoi Nhat_21.3.2016

   Không chần chừ, mình lập tức lấy cuốn đó và ngồi đọc trong suốt thời gian ngồi ở Starbucks. Kondo Marie, một chuyên viên tư vấn nhà cửa, từ khi lên 5 đã có sở thích là dọn dẹp. Cô có nói rằng, cha mẹ chúng ta xưa nay luôn bắt chúng ta dọn dẹp, nhưng hầu như chưa bao giờ dạy ta cách dọn, hay thậm chí chính họ hồi xưa cũng không được học cách dọn dẹp. Cô cũng nhấn mạnh rằng, trước khi bắt tay vào dọn dẹp, chúng ta phải học cách biết từ bỏ. Và đây chính là sự kết nối với cuốn sách đầu tiên của Fumio.

   Hai cuốn sách của người Nhật, cùng một khái niệm “tối giản”, với hai hành động “từ bỏ” và “dọn dẹp”, đã giúp bản thân mình thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống. Và mình đã lập tức bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa. Bắt đầu bằng việc từ bỏ quần áo cũ. Sau đó là các tài liệu, sách vở không cần thiết từ năm nhất. Trước giờ mình luôn giữ lại toàn bộ tài liệu được phát ở từ năm nhất, với ý nghĩ, chắc sau này sẽ cần. Nhưng rồi mình nhận ra mình chưa bao giờ cầm lại nó cả, và chắc cả sau này. Và cứ như thế, mình vứt bỏ được rất nhiều đồ đạc không cần thiết.

BEFORE

20171201_155438
20171201_155435

AFTER

29684214_846157818924235_2192919316750401536_n

   Tuy mình chỉ ở lại Nhật thêm nửa năm, nhưng mình muốn được tận hưởng một cuộc sống trong một căn phòng thực sự gọn gàng và đẹp đẽ, vì thế mình đã bán đi một số đồ cũ và giành khoản đó để mua một số đồ khác, và hầu như những đồ mình mới mua đều là màu trắng. Mình rất mãn nguyện vì bây giờ mỗi lần về nhà là một lần được tận hưởng không gian thoáng đãng và sạch sẽ.

   Có những người sẽ chỉ cảm thấy nhà cửa cuộc sống của họ thật sự tối giản khi không có gì ở trên sàn của họ như (Fumio). Mình chưa đạt được đến mức đấy và mình cũng không có ý định đạt đến mức đấy. Đối với mỗi người, mức độ tối giản sẽ khác nhau.

   Tất nhiên, vứt bỏ đồ đạc chỉ là một phần của lối sống tối giản. Nhưng chính nhờ ai cuốn sách này, mình mới biết đến chủ nghĩa tối giản. Và cũng chính từ đó mà mình bắt đầu có hứng thú và tìm hiểu rất nhiều cuốn sách viết về cuộc sống tối giản. Ví dụ như cuốn “The Power of Less” của Leo Babauta, “Essentialism” của Greg McKeown hay cuốn “The Joy of Less” của Francine Jay. 

   Mình cực kì khuyến khích các bạn đọc thử hai cuốn sách đã giúp mình thay đổi suy nghĩ về lối sống của chúng ta. Hi vọng những ai đọc xong cũng sẽ thốt lên “Tuyệt vời!” và bắt tay lập tức vào công việc vứt bỏ và dọn dẹp.

loi-song-toi-gian-cua-nguoi-nhat-cuon-sach-cho-nhung-ai-can-chu-dong-hon-trong-cuoc-song-bon-be-cua-minh